Cây hương nhu có tên khoa học Ocimum sanctum L. họ hoa môi Lamiaceae hây tên khác là cây é rừng, cây é tía.
Đặc điểm thực vật, phân bố cây thuốc nam: nước ta có 2 loại hương nhu trắng và hương nhu tía, cả 2 loại đều dùng để chữa bệnh nhưng hương nhu tía tốt hơn. Hương nhu tía là loại cây nhỏ, thân và cành thường có màu tía, có lông quặp. Lá có cuống dài, thuôn hình mác hay hình trứng, mép lá có răng cưa, hoa màu tím mọc thành chùm. Cây thường trồng làm thuốc ở quanh nhà, mọc hoang ở nhiều nơi trong cả nước nhưng nhiều nhất ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang.
Cách trồng: Trồng bằng hạt, thu hái hạt ở cây có quả từ năm thứ hai trở đi hoặc trồng bằng gốc vào mùa xuân.
Bộ phận dùng, chế biến: Dùng toàn cây, bỏ rễ. Thu hái lúc đang ra hoa, dùng tươi hoặc phơi khô trong râm mát.
Công dụng, chủ trị: Vị cay, ấm, có tác dụng phát hàn, thanh thủ, tân thấp, hành thủy. Dùng chữa cảm nắng, sốt nóng, sợ rét, đau đầu, làm ra mồ hôi.
Liều dùng: Mỗi lần uống 6-12 g dưới dạng thuốc hãm, nếu nấu nước xông thì liều dùng gấp 3 lần.
Chú ý: Người suy nhược cơ thể nặng đã ra nhiều mồ hôi không dùng được. Không sắc lâu quá 15 phút.
Tinh dầu hương nhu chủ yếu dùng trong nha khoa.
Đơn thuốc có hương nhu: Hương nhu 500 g, hậu phác (tấm nước cốt gừng nướng khô) 200g, bạch biển đậu sao 200 g. Tán nhỏ trộn đều. Lấy 10 – 20 g một lần pha với nước sôi, uống nóng. Chữa cảm sốt không có mồ hôi, chân tay lạnh, nhức đầu.
Tham khảo theo: CAY HUONG NHU