Tìm hiểu về bệnh thoái hóa khớp

Các khớp là vị trí giúp con người có vận động, di chuyển dễ dàng. Việc khớp bị thoái hóa sẽ rất ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người bệnh.

Tổng quan

Theo tống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): 

- Thoái hóa khớp chiếm 20% các bệnh lý về khớp;

- 80% bệnh nhân bị hạn chế về vận động;

- 25% bệnh nhân không thể thực hiện các sinh hoạt thường ngày.

 Thoái hóa khớp là gì



Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp, kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp. Đây bệnh mạn tính chủ yếu xảy ra ở người trung niên và người có tuổi.

Theo thời gian, lớp sụn khớp dần bị thoái hóa, trở nên xù xì và mỏng đi khiến cho khớp không thể vận hành tốt.

Đối với trường hợp nặng, sụn có thể mỏng đến mức không thể che phủ toàn bộ đầu xương. Khi vận động, xương bị cọ xát, thậm chí bào mòn lẫn nhau khiến người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn.

Hình ảnh Thoái hóa khớp

Các triệu chứng

1. Đau nhức

Triệu chứng chính của thoái hóa khớp là đau nhức, đôi khi kèm theo cảm giác cứng khớp. Cơn đau thường âm ỉ và trở nên nặng hơn vào buổi tối, hoặc khi co duỗi các khớp. Khớp có cảm giác bị cứng lại sau khi nghỉ ngơi, nhưng thường sẽ giảm sau một vài phút vận động.

Thoái hóa khớp càng nặng thì cảm giác đau hoặc cứng khớp càng dai dẳng hơn. Khớp có thể bị sưng, các cơ xung quanh trở nên mỏng hoặc yếu đi gây khó vận động.

Các triệu chứng này thường rất đa dạng mà không có nguyên nhân cụ thể, lúc đau, lúc không. Khi thời tiết thay đổi, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn – đặc biệt là thời tiết ẩm đi kèm với giảm áp suất không khí.

2. Hạn chế vận động

Các động tác của khớp bị hạn chế ở các mức độ khác nhau khiến hoạt động của cơ thể gặp nhiều khó khăn.

3. Biến dạng

Khớp xương biến dạng do các gai xương mọc thêm ở đầu xương, cột sống gù, vẹo, ngón tay trở nên gồ ghề và đôi khi cong nhẹ…

4. Các dấu hiệu khác

-    Teo cơ do ít vận động;

-    Có tiếng lạo xạo khi khớp cử động;

-    Tràn dịch khớp làm vùng khớp bị tổn thương sưng to.


 Nguyên nhân thoái hóa khớp



Thoái hóa khớp chính là sự mất quân bình giữa tái tạo và thoái hóa của sụn khớp, khiến sụn khớp bị tổn thương. Một số yếu tố có thể tác động đến quá trình này:

-    Tuổi tác: Thoái hóa khớp thường bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 40. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.

-    Béo phì: Béo phì dễ dẫn đến khoái hóa khớp, đặc biệt là khớp gối.

-    Tổn thương khớp: Khớp bị tổn thương hoặc hoạt động quá sức.

-    Dị dạng bẩm sinh về khớp: Người có khớp bất thường bẩm sinh hoặc xảy ra lúc trẻ sẽ dẫn đến thoái hóa khớp sớm và trầm trọng hơn bình thường.

-    Gen di truyền: Một số bệnh khớp có liên quan đến gen di truyền.

 Khớp nào dễ bị thoái hóa?

Hầu hết các khớp đều có thể bị thoái hóa, nhưng thường phổ biến ở:

1. Khớp gối

Thoái hóa khớp gối rất phổ biến vì khớp này luôn phải chịu căng để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển.

Triệu chứng thường gặp: Đau ở phía trước và bên cạnh đầu gối. Khớp yếu đi khiến đầu gối khuỵu xuống khi phải chịu sức nặng. Người bệnh ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ ở khớp gối.

2. Khớp háng

Thoái hóa khớp háng có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên.

Triệu chứng thường gặp: cảm giác đau sâu bên trong phía trước háng, cũng có thể đau ở bên cạnh hoặc phía trước đùi, ở sau mông và lan xuống đầu gối

3. Ngón tay, bàn tay

Bệnh thường tác động lên vùng gốc của ngón cái và các khớp ngón tay. Các khớp sưng đau, đặc biệt là khi bệnh vừa mới bắt đầu. Sau đó có thể hình thành các nốt cứng trên các khớp khiến ngón tay trở gồ ghề, cong nhẹ.

4. Cột sống thắt lưng

Là tổn thương cột sống thường gặp nhất, đôi khi ảnh hưởng đến thần kinh tọa khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống mặt trong đùi và chân.

Giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau nhiều khi mới ngủ dậy và thường diễn ra trong 30 phút. Sau đó, cơn đau sẽ dần dần kéo dài cả ngày, tăng lên khi làm việc nhiều.

5. Thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ có biểu hiện là cảm giác đau mỏi phía sau gáy, lan đến cánh tay ở bên có dây thần kinh bị ảnh hưởng.

6. Bàn chân

Thoái hóa khớp ở bàn chân thường tác động vào gốc của ngón cái, có thể làm ngón này bị cứng lại hoặc cong vẹo, khiến cho việc đi đứng trở nên khó khăn và đau đớn.

7. Gót chân

Thoái hóa khớp ở gót chân thường làm bệnh nhân có cảm giác bị thốn ở gót vào buổi sáng, khi bước chân xuống giường và đi vài bước đầu tiên.

Chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp


Khi nhận thấy cảm giác bất thường ở khớp, cần đến bác sĩ để được tư vấn. Thoái hóa khớp thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng đau và một số dấu hiệu khác.

Trong trường hợp bệnh nhẹ: sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn hay siêu âm, xung điện… để giảm đau. Lúc đau, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh cho khớp phải hoạt động.

Trong  trường hợp bệnh nặng: có thể sử dụng các thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ.

Riêng bản thân người bệnh cần có chế độ kiểm soát cân nặng, luyện tập và điều chỉnh chế độ ăn uống với các sản phẩm hỗ trợ có nguồn gốc thiên nhiên, chế độ sinh hoạt phù hợp.

 Phòng bệnh thoái hóa khớp 

Thoái hóa khớp là tình trạng gần như không thể tránh khỏi. Tuy vậy, vẫn có thể phòng ngừa và làm chậm quá trình này bằng cách xây dựng chế độ sinh hoạt, tập luyện nhẹ nhàng và dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là từ sau tuổi 40.

Khi lao động và sinh hoạt, cần tránh các tư thế không phù hợp hay các động tác quá mạnh và đột ngột. Hạn chế tình trạng tăng cân – béo phì để giảm áp lực lên các khớp xương… Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường về khớp, cần đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Sự tổn thương sụn chính là nguồn gốc của thoái hóa khớp. Do vậy, cần cung cấp lượng Collagen type 2 cần thiết để nuôi dưỡng sụn, tạo chất nhờn, tăng độ bền và dẻo dai cho khớp, tăng sức mạnh liên kết cơ - gân - sụn khớp.